KHI MÙA HẠ ĐẾN

 

Lam Khê

 

 

Mùa xuân đi qua, hạ cũng vừa đến. Mùa hạ là thời khắc để mưa nắng giao hòa, đất trời rộng mở. Với người tu sĩ, mùa hạ lại khởi đầu cho một mùa an cư kiết hạ. Ba tháng an cư tịnh niệm... thời gian đủ cho người xuất gia tu học có thêm một tuổi hạ, vun bồi tư lương cho cả chặng đường tấn tu đạo nghiệp.

Cảm xúc những ngày đầu hạ thật nhiều bâng khuâng mới lạ. Vẫn là mái chùa ấy, với những huynh đệ đồng tu đồng học. Có khác chăng là niềm suy tư trải nghiệm luôn thay đổi theo thời gian cùng sự tu niệm. Đời tu sĩ, ngôi chùa là nơi lưu trú có thể đến đi tùy duyên tùy lúc, nhưng mùa hạ đến, ai lại không mong tìm về một ngôi trụ xứ để được đồng chúng an cư tu tập. Hơn hai ngàn năm qua, mùa an cư kiết hạ đã trở thành truyền thống tâm linh của người con Phật. Mùa hạ còn mang ý nghĩa của sự trở về. Trở về chung sống hòa hợp bên những người đồng đạo yên vui thánh thiện.    

Mùa hạ đến, ngoài vài ngôi chùa lớn được chỉ định làm trường hạ tập trung để đại chúng các nơi về an cư tu học; thì những ngôi Tự viện có đông chúng cũng trở thành một điểm an cư kiết hạ tại chỗ. Quy củ thiền môn trong mùa hạ nghiêm ngặt hơn, thời khóa tu niệm nhiều hơn và sự đi lại thì rất hạn chế. Lúc này chuyện học hành thi cử đã nhẹ bớt, đại chúng chuyên tâm vào việc tụng kinh ngồi thiền lạy sám. Mọi người cùng sách tấn thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Mùa hạ là mùa mưa gió, đường phố luôn ngập nước. Hạn chế đi lại để không làm tổn hại đến những sinh linh bé nhỏ trên đường và tránh những tạp duyên vọng niệm chi phối. Thời khóa tu tập dày đặc là vậy, nhưng chư hành giả an cư vẫn tranh thủ tu thêm bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Vào giờ chỉ tịnh trưa và tối, chánh điện lúc nào cũng có dăm bảy vị lạy sám trì kinh. Màu y vàng rực trong ánh điện lung linh... làm mát dịu cả không gian nóng bức bên ngoài. 

Trường hạ cùng những điểm an cư luôn được chư Tôn Đức quan tâm thăm hỏi. Mùa hè đi liền với những cơn mưa chiều tầm tả, những buổi trưa trời nắng như thiêu đốt, sự hiện diện của Chư Tôn Đức tạo nên một sinh khí mới, một nguồn sống tâm linh sáng ngời tình yêu thương đạo vị. Quý ngài tham quan thăm viếng vì trách nhiệm của bực trưởng thượng đối với hàng hậu học, nhưng hơn hết là để sách tấn trợ duyên chúng tu học trong ba tháng hạ. Đời tu sĩ đi qua bao mùa hạ lạp vẫn mong muốn được chở che dưới bóng mát tàng cây cổ thụ.

Mùa hạ mang ý nghĩa của mảnh đất tâm linh ươm mầm cho cuộc sống đời người lan tỏa. Đây là lúc để hàng tín đồ tỏ bày niềm kính tin hộ trì Tam Bảo. Trụ trì các Tự viện thường hướng dẫn bổn đạo đi hành hương cúng dường các trường hạ và các tụ điểm an cư kiết hạ. Cúng dường trường hạ đã trở thành thông lệ hằng năm và người Phật tử trong vai trò hộ pháp luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để được đảnh lễ cúng dường chư Tăng Ni tu học. Mùa hạ, các thời khóa tụng niệm ở chùa thường có đông Phật tử. Nhiều chùa còn tổ chức khóa niệm Phật, khóa tụng Kinh Pháp Hoa cho Phật tử hành trì mỗi ngày hoặc theo chu kỳ hằng tuần. Người Phật tử ngày nay không chỉ tu phước, làm công quả, lại còn biết phát huy mọi khả năng tu tập. Tín đồ đến chùa tụng kinh nghe pháp suốt ba tháng hạ với tâm hướng nguyện cầu hạnh phúc bình an cho gia đình cùng chúng sinh muôn loài.

Ba tháng an cư, mỗi ngày sáu thời tụng niệm... Hành giả không quên khởi lòng thành niệm lạy tứ ân. Ân Thầy Tổ soi đường dẫn bước. Ân Phụ mẫu sanh thành dưỡng dục. Ân Quốc độ lưu trú an bình. Ân đàn na tín thí... ân thiện hữu tri thức... Và còn biết bao ân nghĩa trong cuộc đời mà người tu sĩ hằng ngày phải thọ dụng. Tri ân để trải nghiệm lòng từ. Tri ân để hồi hướng công đức đến khắp muôn người muôn loài. Tri ân cũng là nhịp cầu kết nối cho cả âm siêu dương thới. Âm siêu dương thạnh, nhịp sống đời thường chan hòa trong ánh đạo từ bi thanh thoát.

 Mùa hạ đến rồi sẽ đi qua... Người tu sĩ mang tâm nguyện lợi tha lại tiếp bước trên mọi nẻo đường hoằng duyên hóa đạo.

 

 

 

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 07/02/11