PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Thiên Trụ Trì

 Sa môn Đạo Thế, Chùa Tây Minh soạn

Thích Chúc Hiền dịch

 (kỳ 1)

           

 

1.Thuật ý

Pháp không tự hoằng, hoằng pháp do người.  Người thì có kẻ tà nguời chánh.  Pháp tùy theo người mà được hoằng hóa. Người muốn trụ trì Tam Bảo cần phải có đầy đủ đức hạnh, trước hết phải am hiểu luật tạng, không sợ lao khổ, không thích tiếng khen, khiến cho tăng tục xa gần sanh tâm hoan hỷ, làm nơi nương cậy.  Trong việc tu hành, tôn sùng chánh pháp, tiến tu đạo nghiệp, thì Tăng tục nương cậy nhau, khiến cho giáo pháp được tồn tại lâu dài.  Cho nên, Luật Tứ Phần có chép:  Điều không cần chế thì không chế, điều gì đã chế thì nên thi hành,  được như thế, thì khiến cho giáo pháp được tồn tại lâu dài.

Nếu thuyết pháp nói ra lời thường tình, không có gì làm mô phạm, đồng với thế tục, thì làm sao làm khuôn mẫu, phép tắc cho mọi người?  Nên tự xét lại mình!  Cho nên luật chép: Điều không cần chế mà chế, thì nên liền đoạn, không như thế, thì dần dần khiến cho pháp chóng hoại diệt. Thường thấy nơi cửa những người quyền quý hay trong cung đình có nhiều tăng ni hành nghề chữa bệnh, hoặc có người châm cứu, bốc thuốc, có người thì ham cầu danh lợi, có người thì đờn ca, dỡn cuời không giữ oai nghi, hoặc có người làm mai mối cho nam nữ, hoặc có người ngang nhiên nhóm họp ăn thịt uống rượu, hoặc có người ăn mặc y phục xa hoa, sống đời phóng túng, hoặc có người tay bắt mặt mừng giống bọn thế tục, hoặc có người kết cấu với bạn ác, có người cậy người thô lỗ, dẫn đến tiếng dơ đầy ngập, tình dục nhiễm ô, thấu đến triều đình, vua quan đều biết.

Nói thế nhưng không phải hầu hết Tăng Ni đều không nương vào Thánh giáo, cũng vì một phần  do người tục không biết các bậc hiền lương, do vì một vài vị phàm Tăng mà chê bai cả số đông Tăng Ni đức hạnh, chúng ta đâu biết rằng trong chốn tong lâm đó, có nhiều người siêng năng học hỏi, biết khắp ba Tạng Kinh Luật Luận, có lắm vị giảng kinh thuyết pháp dẫn dắt bao người làm lợi lạc quần sanh, hoặc có người chuyên ở nơi thiền quán, thường ngồi không nằm, có người đọc tụng kinh luận siêng năng cần mẫn, có người sáu thời lễ sám ngày đêm hành đạo, có người mặc y bá nạp, khất thực tằn tiện, gìn pháp vô vi, có người tu hạnh đầu đà ở nơi rừng sâu Lan Nhã, có người chuyên tâm làm phước, cúng dường Tam Bảo, có người kiến lập đạo tràng chay tịnh, giảng dạy giáo hóa kẻ tục vào đạo, có người khắc kinh tạo tượng, dựng lập chùa chiền.Trên đây lược ghi hết những trường hợp mà các bậc danh đức thường nương đạo tràng, chuyên tu hành phước trí, một tất thời gian cũng không bỏ qua, không để tâm mình nhàn rỗi, nhiễm dục.Vì thế, thật đáng trân quý mà người học không biết nương gần, chỉ biết kết bạn thắm tình với bọn thô bỉ, nhiễm tạp, lâu ngày lấy quấy làm phải.  Dẫu gặp Thánh Tăng cũng cho là chúng phàm, sanh lòng sân hận, tự cao tự đại, nào biết cung kính! Suy gẫm việc này há không răn dè ư!

 

2. Trị Phạt

Từ khi Phật Niết-bàn, chánh giáo truyền về Đông.  Phật Pháp phó chúc cho Quốc Vương khiến họ hộ trì thêm.  Nhưng vương pháp xâm nhập, khi này khi khác, sa suốt kém suy, hiến chương trị phạm mất dần, nếu có người hay biết, nói ra, thì trái lại bị lăng nhục. Vì Tăng tục đầy dẫy ác tâm, sai trái lâu ngày. Giả sử muốn trị phạt, cải ác làm lành, thì cậy nhờ vào thế lực quan lại ép uổng người thanh tịnh.  Còn Tăng chúng thì vô lực, trái lại làm ô nhiễm tịnh tâm, mong chuyển hóa ác gian thật là khó khăn trắc trở, khiến cho đại pháp đình chỉ, áp dụng di phong sai lầm, cho nên kinh Đại Tập chép: Nếu các vị Quốc Vương trong thiên hạ ở đời sau vì hộ pháp nên có thể xả bỏ thân  mạng, thà hộ cho một Tỳ kheo như pháp, chứ không hộ cho vô lượng các ác Tỳ kheo.  Vị Quốc Vương đó khi lâm chung sẽ được sanh về  Tịnh độ.  Nếu vị Quốc Vương đó theo ủng hộ cho các ác tỳ kheo thì trong vô lượng kiếp không được làm thân người.  Nếu Quốc Vương không trị phạt các ác Tỳ kheo, thì sẽ làm đoạn diệt Tam Bảo. Đó là cướp mất con mắt của chúng sanh, dẫu vô lượng đời tu bố thí, trì giới, trí tuệ thì cũng bị mất.

Vả lại, Tỳ kheo phạm lỗi cần phải trị một tháng, hai tháng làm việc khổ sai, hoặc không cùng nói, không cùng ngồi, hoặc trục xuất ra khỏi một nước cho đến bốn nước, chỗ có Phật pháp. Trị các ác Tỳ kheo như thế, các thiện tỳ kheo an lạc thọ pháp, cho nên khiến cho Phật pháp tồn tại lâu dài không bị đoạn diệt.

Luận Tát-bà-đa chép: Trái phép Vua thì phạm tội Đột-cát-la.

Kinh Thắng Man chép:  Thưa Đức Thế tôn! Người cần chiếc phục thì chiếc phục, người cần nhiếp thọ thì nhiếp thọ.  Vì sao? Vì chiếc phục và nhiếp thọ sẽ khiến cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, trời người thêm nhiều, ác đạo giảm bớt, bánh xe pháp của Đức Như Lai cũng nhờ đó  được luân chuyển. 

Kinh Niết-bàn chép: Thiện nam tử! Hãy lắng nghe! ta sẽ nói cho ngươi thọ nghiệp dài lâu của Đức Như Lai.  Bồ-tát vì nhân duyên đạo nghiệp này mà được sống lâu:  Muốn được sống lâu cần phải thương tưởng tất cả chúng sanh giống như con đẻ của mình.  Đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, thọ trì giới không giết hại, dạy tu pháp lành, cũng nên dạy cho tất cả chúng sanh năm giới, muời lành, lại nguyện vào tất cả các ác thú như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la v.v… để cứu vớt khổ não cho chúng sanh, giải thoát cho người chưa được giải thoát, độ cho người chưa được độ, người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn, an ủi cho những ai còn khổ đau, sợ hãi. Nhờ các nhân duyên đạo nghiệp đó mà Bồ-tát được thọ mạng dài lâu, được trí tuệ tự tại, tùy theo thọ mạng, khi lâm chung được sanh về cõi Phật.

Ca-diếp cung kính thưa Phật rắng: Thưa Đức Thế Tôn!Trong Phật Pháp, có người phá giới, tạo tội ngũ nghịch, hủy hoại chánh pháp thì làm sao có thể coi như con đẻ của mình được?

Phật bảo Ca-diếp: Này thiện nam tử! Ví như quần thần của các vua có người phạm Vương pháp thì theo đó mà giết chứ nhất định không bỏ qua. Như Lai Thế Tôn thì không như thế, đối với người hủy hoại pháp, thì có yết ma đuổi đi, yết ma quở trách, yết ma bỏ đi, yết ma cử tội, yết ma diệt tẫn, yết ma chưa xả bỏ ác kiến.

Này thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn đối với người chê bai chánh pháp, thì làm các yết ma hàng phục, vì muốn dạy cho người làm ác biết  quả báo mà họ phải thọ nhận. Sau khi ta Niết-bàn, tùy theo phương tiện mà xử trí.

Tỳ kheo có trì giới oai nghi đầy đủ, hộ trì chánh pháp thấy người hoại pháp liền có thể đuổi đi, hoặc quở trách, hoặc trừng trị, nên biết Tỳ kheo đó được phước báu vô lượng không thể tính kể.  Còn, nếu thiện Tỳ kheo thấy người hoại pháp mà không quở trách, cử tội, đuổi đi, nên biết vị đó là kẻ oán trong Phật pháp.  Nếu có thể đuổi đi, quở trách, cử tội thì là đệ tử Thanh Văn chơn thật của ta.

Lại nói, Nay chánh pháp vô thượng của Đức Như Lai phó chúc cho các Quốc Vương, đại thần, tể tướng, tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ.  Các Quốc Vương và bốn chúng ấy cần phải khích lệ người học, khiến cho họ tăng thêm giới định tuệ.  Nếu có người không học ba pháp nầy, giải đãi, phá giới, hủy hoại chánh pháp thì Vua, đại thần, bốn chúng nên trừng trị gắt gao.

Lại như kinh nói: Nếu có Tỳ kheo thì nên cúng dường đầy đủ vật dụng, lại có thể hộ trì cho vị đó thọ trì giới cấm, có thể rống lên tiếng rống sư tử, nói rõ pháp mầu như Kinh, Luật, đem chín thể loại kinh điển như thế mà giảng rõ cho người khác, vì sự lợi ích, an lạc cho các chúng sanh mà nói lời ra điều đó. Trong kinh Niết Bàn ngăn cấm các Tỳ kheo không nên nuôi nô tỳ, trâu, dê, và các vật phi pháp.  Nếu có Tỳ kheo nuôi các vật bất tịnh như thế, thì hãy trừng trị. Trong kinh khác trước đó Đức Như Lai nói : Có tỳ kheo nuôi các vật phi pháp, thì Quốc Vương sẽ như pháp mà trị, khiến họ hoàn tục.  Nếu có tỳ kheo có thể rống tiếng rống Sư tử như thế, khi đó, có những người phá giới, nghe lời nầy đều sanh lòng sân hận đến hại pháp sư đó.  Người nói pháp ấy giả sử mạng chung đi nữa cũng nên nói. Cho nên gọi trì giới là lợi mình, lợi người, vì duyên đó ta chấp nhận cho Vua, Quần thần, Tể tướng, nam cư sĩ, nữ cư sĩ hộ trì người nói pháp.

Kinh chép: Khi Tỳ kheo Giác Đức hộ trì chánh pháp ngăn cấm các tỳ kheo không được phá giới, nuôi vật phi pháp.  Đồ chúng phá giới nghe lời ấy rồi liền đến hại Tỳ kheo đó.

Bấy giờ, có vị Quốc Vương tên là Hữu Đức thà mất mạng để bảo vệ tỳ kheo Giác Đức, nên cùng chiến đấu, để cứu Pháp sư. Từ đó về sau, Quốc Vương Hữu Đức và tỳ kheo Giác Đức thường được gặp Phật, cho đến khi hai người đều được thành Phật.  Đức Phật chỉ vào mình nói: Vị Quốc Vương thuở đó chính là ta đây, còn vị tỳ kheo nói pháp chính là  Đức Phật Ca-diếp, do vì hộ trì pháp nên đều thành tựu được thân Kim Cang.

Lại nói: Sau khi Ta Niết-bàn, vào đời ác trược, cõi nước hoang loạn, cướp đoạt lẫn nhau, nhân dân đói khát.  Bấy giờ, có nhiều người bị đói khát nên phát tâm xuất gia. Bọn người như thế gọi là bọn đầu trọc. Bọn đầu trọc đó thấy có tỳ kheo trì giới, đầy đủ oai nghi, thanh tịnh, hộ trì chánh pháp thì liền trụ xuất, hoặc giết hoặc hại.

Ca-diếp Bồ-tát cung kính thưa Phật: Kính thưa Đức Thế Tôn! Nguời trì giới, hộ trì chánh pháp làm sao vào được thôn xóm, thành ấp giáo hoá?

Này thiện nam tử! Thế nên, nay ta chấp nhận cho người trì giới nương hàng cư sĩ để làm bạn.  Nếu các Quốc Vương, đại thần, trưởng giả, nam cư sĩ v.v… do vì hộ pháp, cho nên, dầu cầm dao gậy, nhưng ta cho là trì giới. Tuy cầm dao gậy, nhưng đừng giết hại, nếu được như thế (tr-16) thì được gọi là trì giới bậc nhất.

Ta có đề cập đến các trường hợp: Có người phạm bốn Ba-la-di cho đến các tội Đột-cát-la nhỏ cũng nên trừng trị nghiêm khắc.  Chúng sanh nếu không hộ trì giới cấm thì đâu thể nào thấy Phật tánh.  Tất cả chúng sanh dù có Phật tánh nhưng cần nhờ trì giới, sau đó mới thấy.  Nhờ thấy Phật tánh mới được thành tựu Vô Thương Bồ-đề, lại nói kệ rằng:

Nếu Tỳ kheo tu tập

Giới định và trí tuệ

Nên biết chẳng bao lâu

Thân gần Đại Niết-bàn.

Lại nói Nguyệt Đăng kệ rằng:

Dẫu đọc khắp các kinh

Cậy nghe nhiều, phá giới

Nghe nhiều không thể cứu

Phá giới chịu khổ ngục.

 

Kinh Thập Luân Phật nói kệ rằng:

Có chân thiện Sát lợi

Cúng dường nơi chánh pháp

Ba thừa được lớn mạnh

Sẽ được biển công đức

Đầy đủ cả bảy báu

Đầy khắp Diêm-phù-đề

Dâng cúng dường chư Phật

Phước đó còn hạn lượng

Cho đến bốn thiên hạ

Tạo Tăng phòng cúng dường (tr-18)

Việc đó được phước lớn

Không bằng hộ chánh pháp

Giả sử vì chư Phật

Khắp nơi xây chùa tháp

Dù có được phước lớn

Không bằng hộ chánh pháp

Ví năm mặt trời hiện

Làm khô cạn đại dương

Người hộ pháp của Ta

Được sạch gút phiền não

Ví như gió bão thổi

Tất cả núi đều đổ

Người hộ trì chánh pháp

Cũng diệt các phiền não

Thí như lụt lội lớn

Ngập hư cảc đại địa

Người hộ trì chánh pháp

Cũng tiêu sạch phiền não. (tr-20)

 

3. Thận trọng tư duy

Muốn thành vị đại lương y hoằng truyền ba tạng, trước hết cần phải hợp cơ, tự trị bệnh của mình, sau trị bệnh cho người, khiến chánh pháp được tồn tại lâu dài, chẳng được vì danh lợi mà đàm luận suông, không tu một hạnh thì đồng với kẻ cuồng say. Cho nên, Luận Đại Trang Nghiêm chép: Có hai hạng người say: Một là say khi thành tựu tài sắc.

Hai là say khi được người tánh dương.

Hai hạng người say đó, một là đa số khi họ được giàu sang, trở nên đam mê, đâm ra sống phóng túng, tạo nhân địa ngục, hai là đa số người xuất gia ham theo danh lợi, coi rẻ tự thân, mong được người khác ca ngợi, đâm ra khởi tâm kiêu mạn, làm mê mờ chí thú, đánh mất Phật tâm, mù mờ không thấy biết, lặn hụp trong tam đồ.

Cho nên, Kinh Niết Bàn chép: Phật bảo Ca-diếp: Sau khi ta Niết Bàn trong khoảng bảy trăm năm, Ma Ba Tuần sẽ dần dần hủy hoại chánh pháp ta. Thí như kẻ thợ săn mà thân mặc pháp phục. Ma Vương Ba Tuần cũng thế, hóa làm thân tướng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, cũng hóa làm thân Tu-đà-hoàn cho đến làm thân A-la-hán, cho đến sắc thân Phật, ma vương dùng thân hữu lậu đó làm thân vô lậu để hủy hoại chánh pháp ta.

Kinh chép: Nếu có Tỳ kheo vì lợi dưỡng mà thuyết pháp cho người, đồ chúng quyến thuộc của vị ấy cũng bắt chước thầy của họ, ham cầu lợi dưỡng. Những người như thế tự phá hoại chúng. 

Lại chép: Nếu có Tỳ kheo dù thọ trì giới cấm nhưng vì lợi dưỡng cùng với người phá giới ngồi, đứng, qua lai, thân gần, cùng làm việc thì đó gọi là phá giới, cũng gọi là tạp Tăng.

Lại chép: Lại có vị Thường Một, không phải là hạng Nhất-xiển-đề. Vì sao gọi như vậy? Vì người đó có tu bố thí, trì giới, nên gọi là Thường Một.  Cho nên kinh chép: Này thiện nam tử! Có bốn việc thiện phải chịu quả báo:

Một là vì muốn hơn người mà đọc tụng kinh điển.

Hai là vì lợi dưỡng mà thọ trì tịnh giới.

Ba là vì muốn làm quyến thuộc của người khác mà hành bố thí.

Bốn là vì phi tưởng, phi phi tưởng xứ mà buộc niệm tư duy.

Bốn việc thiện này phải chịu quả báo ác.

Lại nói: Nhất-xiển-đề đó diệt các căn lành, chẳng phải bậc pháp khí.

Giả sử người đó trăm ngàn vạn năm, chịu nghe kinh Đại Niết Bàn như thế nhưng không bao giờ phát tâm Bồ-đề. Vì sao? Vì tâm họ không tốt.

Kinh chép: Nầy thiện nam tử! Sau khi ta Niết Bàn vô luợng trăm ngàn bốn đạo thánh nhân cũng đều Niết Bàn, sau khi chánh pháp diệt, trong thời tượng pháp sẽ có tỳ kheo ra vẻ trì luật, ít đọc tụng kinh, ham ăn uống, trưởng dưỡng thân mình, thân mặc y phục thô xấu, dáng dấp tiều tụy, không có oai đức, tự ý nuôi trâu dê, mang vác củi cỏ, râu tóc bờm xờm, móng vuốt bén nọn. Kẻ đó tuy mặc cà sa nhưng chẳng khác gì kẻ thợ săn, bước đi từ tốn như mèo rình chuột, thường nói lời này: Ta đắc A-la-hán. Kẻ đó bị nhiều bịnh hoạn, nằm ngủ trên phân uế, ngoài hiện hiền lành, trong lòng đầy dẫy tham lam tật đố.  Như các Bà-la-môn ngọng, thật chẳng phải Sa môn mà hiện tướng Sa môn.  Tà kiến lẫy lừng, chê bai chánh pháp. Bọn người như thế, hủy hoại cấm giới, oai nghi chánh hạnh của Đức Như Lai, mà tự nói quả giải thoát lìa pháp bất tịnh cho đến hủy hoại thánh giáo sâu mầu, tự ý nói trái kinh luật mà nói lời rằng: Như Lai đều chấp nhận cho chúng tôi ăn thịt uống rượu. Tự làm ra luận này rồi nói đó là Phật thuyết, cùng nhau tranh tụng tự xưng là Sa môn thích tử.

Này thiện nam tử! Khi đó, lại có các Sa môn cất giữ lúa thóc, nhận lấy cá thịt, tự tay làm thức ăn, cầm nắm dầu bình, lộng báu, giầy da, thân gần Quốc vương, đại thần, trưởng giả, coi tướng, đoán sao, siêng tu y đạo, nuôi dưỡng nô tỳ, cất giữ vàng bạc châu báu, học các nghề nghiệp, họa sư, viết sách, dạy học, chạy theo tà đạo, bùa chú, hoà hợp các thuốc, tác xướng kỷ nhạc hương hoa bôi thân, sư bồ vi mổ, các thứ nghề thợ.

Nếu có Tỳ kheo có thể lìa các việc ác như thế, nên nói người ấy là đệ tử chơn thật của Ta.  Trái lại, nếu học theo các việc ấy, thân gần Quốc Vuơng, vương tử, đại thần và nữ giới, lớn tiếng, cười đùa, hoặc lại im lặng, đối với các pháp phần nhiều sanh nghi ngờ, nhiều lời, nói dối, dài ngắn, tốt xấu, hoặc thiện hoặc bất thiện, ham đắm y đẹp, các vật bất tịnh như thế.  Ở trước thí chủ, cúi mình tự khen, ra vào, dạo chơi chỗ bất tịnh như mua bán bia rượu, dâm nữ, cờ bạc. Hạng người như thế, nay ta không chấp nhận ở trong chúng tỳ kheo, hãy nên khiến họ bỏ đạo hoàn tục, thí như diệt sạch lúa tẻ.

Nên biết các kinh luật đều do Đức Như Lai nói.  Nếu có người thuận theo ma nói thì đó là quyến thuộc của ma.  Nếu có người thuận theo Phật nói tức là Bồ-tát.

Thậm chí kinh chép: Tỳ kheo phá giới sẽ ở trong trăm ngàn ức vạn kiếp số chẻ cắt thân thịt của mình để trả nợ cho thí chủ, hoặc sanh làm thân súc sanh, thường mang vác nặng.  Vì sao? Như chẻ sợi tóc làm ngàn ức phần. Tỳ kheo phá giới không thể tiêu một phần cúng dường, huống gì có thể tiêu dùng áo mặc, cơm nước, đồ nằm, thuốc men!

Lại nói: Ưa nhìn phụ nữ, không cậy người nam, cho đến ghét người trì giới, thân cận người phá giới, thường khen bố thí, không khen trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, không khen tịch diệt, xa lìa lối sống độc cư, thường ưa chê bai lỗi người trì giới.  Không ngợi ca người tu hạnh đầu đà, hoặc chỉ trích việc ấy lại thêm mắn chửi ngang xương.

Kinh chép: Này thiện nam tử! Chánh pháp Như Lai sắp muốn diệt tận.      Bấy giờ, có nhiều Tỳ kheo làm ác, không biết kho tàng bí mật sâu mầu của Như Lai, giải đãi, biến lười, không thể đọc tụng, tuyên dương, giảng giải chánh pháp Như Lai, kẻ đó thí như bọn giặc si mê bỏ đi trân bảo, gánh lấy cỏ khô, không thấu hiểu kho tàng bí mật mầu nhiệm của Như Lai.  Bởi vậy, trong kinh nói giải đãi, không siêng là hiểm hóc lớn thật đáng thương thay! Chúng sanh ở đời tương lai rất đáng kinh sợ.  Khổ thay chúng sanh không siêng năng nghe nhận kinh điển Đại thừa!

Kinh Đại Niết Bàn chỉ các Bồ-tát-ma-ha-tát có thể ở nơi kinh ấy chọn lấy nghĩa chơn thật mà không vướng mắc vào văn tự, tùy thuận, không trái nghịch, giảng nói cho chúng sanh.

Lại nữa, Này thiện nam tử! Như người mục nữ vì muốn bán sữa, nhưng do ham lợi cho nhiều, nên pha thêm hai phần nước, đem bán cho mục nữ khác.  Người kia được sữa lại pha thêm hai phần nước nữa, đem bán cho người nữ gần thành thị. Người này được sữa lại pha thêm hai phần nước nữa, rồi đem bán cho người nữ trong thành.  Người nữ trong thành mua được sữa lại pha thêm hai phần nước nữa rồi đem ra chợ bán. Khi đó có một người cưới vợ cho con trai, nên cần sữa tốt để đãi khách, ra chợ mua sữa.  Khi đó người bán sữa đòi giá cao. Người đó đáp rằng: Sữa của cô pha nhiều nước không đáng giá như thế, hãy nói đúng giá, nay ta cần đãi khách nên nói giá cả thỏa đáng thì mua.  Mua sữa về nhà chưng làm đề hồ thì hoàn toàn không còn mùi vị sữa. Mặc dù sữa không có vị nhưng vẫn hơn ngàn lần vị đắng vì vị của sữa hơn cả trong các vị.

Này thiện nam tử! Sau khi Ta Niết Bàn hơn tám mươi năm, chánh pháp chưa diệt hết.  Bấy giờ, kinh này mới được lưu hành rộng rãi ở nơi Diêm-phù-đề.  Khi đó, có nhiều ác Tỳ kheo sao chép, chia chẻ kinh này ra làm nhiều phần khiến cho sắc hương mùi vị của chánh pháp hoại diệt.  Các ác Tỳ kheo đó dù vẫn đọc tụng kinh điển này, nhưng bỏ mất nghĩa lý cốt yếu thâm sâu của Như Lai, trao chuốt lời văn bóng bẩy nhưng vô nghĩa.  Chép đoạn trước để đoạn sau, chép đoạn sau để đoạn trước, chép đoạn trước, đoạn sau để vào giửa, đem đoạn giửa chép ra trước, sau.  Nên biết các ác Tỳ kheo như thế là bè bạn của ma, nhận nuôi cất tất cả các vật bất tịnh, rồi cho rằng Đức Như Lai đều chấp nhận cho tôi nuôi, giống như mục nữ kia pha thêm nhiều nước vào sữa.  Các ác Tỳ kheo cũng lại như thế, chỉ dùng lời lẽ thế gian lầm cho là kinh này, khiến cho nhiều chúng sanh không nói đúng, viết đúng, thọ nhận đúng, ngợi khen cung kính cúng dường, các ác Tỳ kheo đó vì lợi dưỡng, không thể hoằng truyền rộng rãi kinh này. Nếu có lưu truyền cũng không đầy đủ, như mục nữ nghèo cùng kia, càng làm cho sữa lợt lạt không có mùi vị. Dầu sữa không có mùi vị nhưng vẫn hơn vị khác gấp ngàn lần, bởi vì vị của sữa kia hơn hẵn các vị đắng ngàn lần. Vì sao? Vì Kinh Đại Niết Bàn thuộc kinh điển Đại thừa nên hơn cả các kinh Tiểu thừa. Giống như vị sữa bò là hơn cả. Vì nghĩa này nên gọi là Đại Niết bàn.

 

(Trích từ Pháp Uyn Châu Lâm, quyển 30, Đại Tạng Kinh, No.2210)

                                           

 

 

 

 


Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 10/05/11