HỌC KINH DUY-MA-CẬT

 Tâm Minh - Vương Thúy Nga

 

Chương trình tu học của Huynh trưởng Gia đình Phật tử (GĐPT) gồm có bốn bậc: Kiên, Trì, Định, Lực và 4 trại huấn luyện từ thấp đến cao là: Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh.

Chương trình học kinh cũng thay đổi theo trình độ tu học và ở trại cao nhất, Vạn Hạnh, anh chị em Huynh trưởng phải học 10 bộ kinh, trong đó có hai bộ kinh mà chúng tôi cho là biểu tượng của “một cuộc cách mạng tư tưởng” của thế kỷ 20, đó là kinh Duy-ma-cật và kinh Thắng Man.

Tại sao vậy? – Xin thưa, bởi vì hai bộ kinh này tuy hiện diện đã lâu trong kho tàng kinh điển Phật giáo nhưng mãi đến thế kỷ này mới thực sự được xiển dương sâu đậm trong nhân gian, phải chăng vì mãi đến thế kỷ này mới có sự “đổi đời” của người phụ nữ trong xã hội? Người phụ nữ mới đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính quyền, đã làm chính trị, đã đi lính, tham gia quốc hội, làm phi hành gia, v.v... thậm chí làm nữ hoàng nữa!

Sở dĩ chúng tôi gọi là “cuộc cách mạng” bởi vì cho đến ngày nay, ở những xã hội chậm tiến, người phụ nữ luôn chỉ là cái bóng của nam giới, trong gia đình thì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, khi đã lập gia đình thì “phu xướng phụ tùy” hay “xuất giá tòng phu” hay “phu tử tòng tử”, v.v... Thế nhưng trong kinh Thắng Man, người đã dõng dạc tuyên bố những giáo lý Đại thừa, được đức Phật ấn chứng và khen ngợi lại là một phụ nữ! Đúng như đức Thế Tôn dạy: Phật pháp không phân biệt nam nữ, về trí tuệ giải thoát thì nam nữ giống nhau, đều có khả năng giác ngộ như nhau!

Lại nữa, xưa nay tuy nói rằng “bốn chúng đồng tu” nhưng chư Tăng thường ở vai trò của người hướng dẫn, chỉ dạy cho cư sĩ về Phật pháp. Thế nhưng trong kinh Duy-ma-cật, Trưởng giả Duy-ma-cật đã khiến cho 10 vị đại đệ tử Phật phải tâm phục khẩu phục, đã thuyết giảng về cốt tủy của giáo lý Đại thừa, được chính đức Phật khen ngợi và khuyến khích chư vị đệ tử Phật nương theo gương Ngài mà tu tập.

Tuy nhiên đó là nhân vật ở thời đức Phật còn tại thế, là một nhân vật lịch sử hay huyền thoại thì chưa bàn đến, và là một người “có một không hai” chứ không phải ai trong chúng ta cũng có thể lầm tưởng rằng mình là một Duy-ma-cật đâu!

Nếu hình ảnh “người quân tử” là mẫu mực lý tưởng của Nho giáo thì cư sĩ Duy-ma-cật, đại diện cho người Bồ-tát tại gia, là nhân cách lý tưởng của Bồ-tát đạo Đại thừa Phật giáo vậy. Phẩm chất đạo đức của người cư sĩ Duy-ma-cật đã vượt lên trên con người, đã nhập vào hàng Thánh nhưng ngài không tìm Niết-bàn tịch tĩnh cho riêng mình. Ngài bệnh vì chúng sanh bệnh, ngài không lìa thế gian mà còn qua lại trong sáu nẻo luân hồi vì chúng sanh còn trôi lăn trong đó. Ngài quyết tâm “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”, qua lại giữa niết-bàn và sinh tử để giáo dục, chuyển hóa chúng sanh. Cánh cửa để Bồ-tát có thể qua lại giữa hai cảnh giới tưởng chừng như đối lập này chính là nguyên lý bất nhị hay thực tại bất nhị và “giấy thông hành” (passport) là nhập bất nhị pháp môn (vào pháp môn không hai).

Đã vào pháp môn không hai, Bồ-tát thấy được thực tướng các pháp mà không kẹt hai bên, không dính mắc vì những ý niệm dơ-sạch, uế-tịnh, đúng-sai, ngã-ngã sở, sinh-diệt, thọ-không thọ, v.v... Bồ-tát an nhiên tự tại, ung dung đi vào cuộc đời ô trược đầy thị phi điên đảo mà tâm không bị nhiễm ô, như đóa sen vươn lên từ bùn nhơ mà không nhiễm mùi bùn… Đó là con đường hành đạo của Bồ-tát hay thực hành Bồ-tát đạo.

Bồ-tát hành đạo mà không thấy mình hành đạo, bố thí mà không thấy có người bố thí, có người nhận của bố thí và có vật bố thí… Bồ-tát làm rất nhiều việc lợi ích cho đời, cho người, nhưng với tâm rỗng rang, không phân biệt, không nhớ nghĩ, tính toán, cũng không tự hào hay than van… Bồ-tát cứu người, cứu đời với tâm vô tư giống như đang đi rong chơi trong ba cõi sáu đường… Hành động thực tiễn của Bồ-tát Duy-ma-cật vì vậy được gọi là “bất tư nghì giải thoát” vì Tịnh độ của Bồ-tát là thế giới tồn tại của chúng sanh. Đó là bài học mở đầu về Thể và Dụng của kinh Duy-ma-cật mà chúng tôi học được. Thể là cơ sở tư tưởng còn Dụng là mục tiêu, là sự chuyển biến lý thuyết thành hành động cụ thể.

Trong cuộc đời này có thể không có một Trưởng giả Duy-ma-cật vừa tinh thông giáo lý Đại thừa, vừa làm được những Phật sự cứu giúp chúng sanh nhưng cũng đã có những Bồ-tát chuyên làm những việc đơn giản như cho những người đói khát lạnh lẽo cơm ăn, nước uống, mền đắp, cho người bệnh hoạn thuốc men,… như Mẹ Thérésa, hay cứu những người lênh đênh trên biển cả, ngoài ra còn có quý Sư cô, quý Soeurs, quý Thầy, các thân hào nhân sĩ, các sinh viên, các huynh trưởng trẻ đã làm nhiều việc phước thiện, có người thường đi vào những bệnh viện, những nhà dưỡng lão, săn sóc bệnh nhân, người già, vào nhà tù thăm viếng, ủy lạo những tù nhân cô quả, cô đơn… họ tuy chưa nhập “pháp môn không hai” nhưng đã làm được phần nào công hạnh của Bồ-tát, đem vui và cứu khổ cho đời.

Bài học kế tiếp cũng rất thú vị, đó là bài học về Phật Hương Tích và cõi nước của Ngài – Chúng Hương, ở đây chúng ta “gặp” được những điều “khó tin” nhưng lại dạy cho ta những bài học thực tế vô cùng quí giá:

“…Duy-ma-cật dùng thần thông lực chỉ cho hội chúng thấy cõi nước của Phật Hương Tích, tên là Chúng Hương; ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược, hoa viên, v.v... khiến chúng tỏa ra mùi hương thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương… Khi ấy Duy-ma-cật vẫn không rời chỗ ngồi ở ngay trước đại chúng, dùng thần lực tạo ra một vị hóa Bồ-tát có thân tướng sáng ngời oai nghiêm thù thắng bao trùm cả chúng hội rồi nói với vị ấy rằng: Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương có Phật Hương Tích, vừa mới ngồi lại để thọ thực cùng với các vị Bồ-tát, mang lời của tôi mà thưa rằng ‘Duy-ma-cật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, vô vàn tôn kính, và thăm hỏi sức khỏe Thế Tôn, ít bệnh ít não, khí lực an ổn chăng? Nguyện xin chút thức ăn dư của Thế Tôn mang về thế giới Ta-bà để làm Phật sự”. Chư Bồ-tát ở cõi đó thấy vị hóa Bồ-tát này rất ngạc nhiên và hỏi tại sao có người thân hình nhỏ bé mà tài giỏi như vậy… thì đức Phật Hương Tích mới nhân tiện giới thiệu đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cõi Ta-bà và Bồ-tát Duy-ma-cật đã an trụ trong pháp môn bất khả tư nghì, đang nói pháp cho chư vị Bồ-tát nghe; chính ông ấy đã tạo ra vị sứ giả đến tán dương và xin cơm đem về làm Phật sự. Ông ấy cũng thường làm như vậy đến 10 phương quốc độ để làm những Phật sự lợi ích cho chúng sanh; nói rồi Như Lai lấy cái bát chứa đầy cơm thơm đưa cho vị hóa Bồ-tát; các Bồ-tát đều đòi đi theo về cõi Ta-bà để đảnh lễ đức Thích-ca và thăm Duy-ma-cật thần thông cái thế cũng như chư vị Bồ-tát.

Trước khi đi, đức Phật Hương Tích có dặn hãy thu lại mùi hương và thu nhỏ thân hình lại (vì chúng sanh cõi Ta-bà thân hình nhỏ bé và không có mùi hương, để họ không sinh mê hoặc hay tham đắm). Đồng thời Duy-ma-cật cũng giảng cho đại chúng ở đây biết trong vũ trụ bao la, không phải chỉ có con người là sinh vật thông minh đâu, còn nhiều thế giới khác nữa mà mắt và trí năng con người không thấy được v.v... cả hai bên đều dạy người của mình phải bao dung, quảng đại như hư không; cả hai bên đều “làm công tác tư tưởng” để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt: đây là bài học về từ bi, lịch sự và văn minh cho những người có nền văn hóa, truyền thống khác nhau: chúng ta hãy tưởng tượng nếu bây giờ có một nhóm người từ hành tinh khác đến quả đất chúng ta; chuyện gì sẽ xảy ra? – Nhất định là có xô xát, đổ máu, chết chóc… bởi vì ai cũng nghĩ “phía bên kia” có ý xấu với mình, ai cũng lo đem súng ống và gươm giáo ra nói chuyện! Còn ở đây, tất cả đều vui vẻ êm đẹp, lại tặng cho nhau một bữa cơm tuyệt vời với mùi hương thơm đến vô tận! Còn những chuyện “khó tin” trong đoạn kinh này thật ra rất “dễ hiểu”: đối với trí tuệ của chư Phật, chư Bồ-tát, sự hiểu biết của chúng ta không khác gì một người sống trong một rừng rậm ở Nam Phi cả đời chưa đi đâu cả; từ khi ra đời đến nay, chưa hề biết đến TV, radio, quạt điện, phone, v.v... là gì cả thì làm sao giảng cho anh ta hiểu tại sao cái radio “nói và hát” được, tại sao hai người cách nhau nửa trái đất mà có thể nói chuyện với nhau, tại sao rất nhiều người có đến hàng trăm, hàng ngàn có thể “chun vô” trong cái TV chỉ lớn bằng cái hộp? v.v… Chúng ta cũng như vậy thôi, làm sao ngài Duy-ma-cật giảng cho ta hiểu về thần lực của ngài, về sự tồn tại của thế giới khác Chúng Hương được?

Xin trở lại với bài học “bát cơm Thạch Sanh” với mùi hương kỳ diệu:

Bấy giờ hóa Bồ-tát trao cho Duy-ma-cật bát cơm thơm mà mùi hương tỏa khắp thành Tỳ-da-ly… những ai ngửi được mùi hương ấy đều thấy thân ý thơ thới, đồng ca ngợi sự hiếm có này… Lúc ấy, Duy-ma-cật mới nói với ngài Xá-lợi-phất và các vị Thanh văn: ‘Xin mời các vị dùng món cơm có hương vị cam lộ. Cơm này được xông ướp bằng hương đại bi của Như Lai; đừng ăn cơm bằng ý hữu hạn, vì như vậy sẽ khó có thể tiêu hóa được”. Có một vị Thanh văn nghĩ rằng: bát cơm này ít mà đại chúng thì đông, làm sao đủ đây? Vị hóa Bồ-tát liền nói: ‘Đừng lấy trí nhỏ và đức nhỏ mà đo lường phước huệ vô lượng của Như Lai. Nước của bốn đại dương có thể cạn chứ cơm này vô tận… Bấy giờ bát cơm khiến cho cả đại chúng đều no đủ mà vẫn không vơi; những ai đã dùng cơm này rồi đều cảm thấy an lạc như chư Bồ-tát ở quốc độ Nhất thiết lạc trang nghiêm và từ lỗ chân lông của họ tỏa ra mùi thơm vi diệu như mùi hương của các loài cây trên cõi Chúng Hương”. Rồi hai bên trao đổi với nhau về phương pháp giảng dạy của hai cõi. Ở cõi Chúng Hương, Như Lai không dùng ngôn từ để thuyết pháp mà chỉ dùng hương thơm khiến cho thính chúng thâm nhập, có thể tự điều phục và chế ngự tâm, hành theo Luật. Đối với phương pháp thuyết giảng của chúng ta, đây không phải là một bài pháp sống động bất khả tư nghì sao? Thế nhưng phương pháp này vẫn được chư Bồ-tát ở cõi Chúng Hương tán thán là “…Pháp chưa từng nghe, đức Thế tôn Thích-ca Mâu-ni đã ẩn di vô lượng khả năng tự tại, hóa độ chúng sanh bằng pháp mà người nghèo ưa thích. Các Bồ-tát ở đây cũng nhẫn nại những khó nhọc, bằng vô lượng đại bi mà sinh nơi cõi Phật này”.

Các ngài đều chỉ nhìn thấy những ưu việt của đối phương, những cái đáng cho mình khâm phục ngưỡng mộ và khen ngợi, thế cho nên sau khi Duy-ma-cật và Văn-thù-sư-lợi thuyết về mười thiện pháp, về tám pháp tu của Bồ-tát để ở trong thế giới ô trược này tu hành mà không bị tổn hại và tái sinh Tịnh độ… thì hàng trăm ngàn chư Thiên đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng và mười ngàn vị Bồ-tát đắc vô sanh pháp nhẫn.

Đây mới chỉ là hai bài học đầu tiên mà kinh Duy-ma-cật đã đưa vào lòng chúng ta một luồng không khí thanh tịnh, giải thoát không khác nào chính chúng ta đã được hưởng mùi vị cam lộ của bát cơm kia! Mong sao mùi hương này còn tồn tại trong lòng chúng ta để nuôi dưỡng những phẩm chất cao thượng, loại bỏ tâm phân biệt tầm thường và nhỏ nhoi trong chúng ta. Hèn gì tôn giả Duy-ma-cật đã dùng bát cơm này để làm Phật sự (“khen phò mã tốt áo”!).

Để kết thúc bài viết này, xin chép tặng anh chị em lời khấn nguyện (của một vị sư trẻ) có thể nói là bao gồm được tâm nguyện của anh chị em chúng ta:

 

Bạch Thế Tôn! Đây lời khấn nguyện

Xin đập tan đê tiện trong con

Khi vui chẳng muốn vui hơn

Khi buồn đủ sức để buồn qua đi.

 

___________________ 

Ghi chú:

Những lời kinh trích dẫn được chép từ kinh Duy Ma Cật sở thuyết bản Việt dịch của Thượng tọa Tuệ Sỹ, cũng là nguồn cảm hứng của anh chị em chúng tôi – nếu đọc bản chữ Hán dù đã phiên âm thì bản thân chúng tôi không thể nào hiểu được cái gì cả! Ngôn ngữ và văn tự quả thật rất quan trọng trong thế giới của chúng ta; xin kính gởi đến Sư phụ lòng biết ơn của chúng con.

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 06/09/10