Thư tòa soạn số 128

 

(tháng 7.2022)

 

 

 

NGƯỜI CHÁNH THIỆN

 

 

Có chăng một giai cấp cao tột, thượng đẳng trong xã hội? Có chăng một giai cấp thấp hèn chỉ vì màu da, chủng tộc của họ? — Kinh Pháp Cú, câu 43 có thể trả lời rõ ràng các câu hỏi trên: “Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện làm cho mình cao thượng hơn.”

Chánh thiện là các việc lành khởi xuất từ lòng từ bi và chánh kiến (thấy biết chân chánh, như thật). Vì lòng thương, lúc nào cũng nghĩ đến việc đem lại lợi ích an vui cho kẻ khác. Nhờ chánh kiến, thấy được điều gì ác nên từ bỏ, điều gì lành nên thực hiện; xa lìa những ác nhân, rời bỏ những tà kiến, xảo quyệt và ảo tưởng.

 

Trái với người chánh thiện là người ích kỷ, vị ngã. Người ích kỷ thường vui thích với những lời dua nịnh, đãi bôi, dối trá; không bao giờ chấp nhận sự thật, vì sự thật thường là điều đi ngược lại với sở thích và khuynh hướng vụ lợi cho bản thân họ.

Trong hành xử với gia đình, xã hội, người này luôn co rút, bảo thủ, luôn mưu tìm lợi ích cá nhân, được lợi gì hay thiệt hại gì trong giao tiếp này; không bao giờ nghĩ đến niềm vui hay quyền lợi của kẻ khác, chỉ luôn đòi hỏi cái vui, cái lợi cho chính mình.

Đối tượng mà người ích kỷ có thể chia sẻ, ca tụng, thậm chí tôn thờ, chính là kẻ ích kỷ tột cùng, ích kỷ trăm lần hơn.

Cái tôi của thần tượng ích kỷ được trau chuốt, tô vẽ bằng những điều ngoa ngụy, dối trá; và điều này ve vuốt, khích lệ, xoa dịu những bản ngã vốn co cụm trong những vỏ ốc kiên cố của vị kỷ, tham lam. Nay được sự tán thưởng và đồng cảm của thần tượng ích kỷ, những con ốc bắt đầu chui ra khỏi vỏ, tràn ra ngoài, không còn e dè, ngại ngùng chi để dàn trải kiến năng và tâm địa nhỏ bé của mình. Sự dối trá, giảo hoạt được tâng bốc lên những tầng mây và được xem như là điều bình thường của xã hội. Dối trá càng nhiều càng bồi đắp nguy nga cho lầu đài hoang tưởng; nâng vị kỷ lên một tầng bậc cao hơn; khỏa lấp, biện minh cho tính ích kỷ bằng sự tự tín, tự đại; và công khai trao cho người ích kỷ một vị trí cao hơn, một giai cấp vượt trội hơn trong xã hội.

Khi giai cấp vị ngã được hình thành và được cổ vũ như đội ngũ tiên phong của một phong trào thì dù là thiểu số, cũng tác động rất nhiều đến xã hội, quốc gia và nhân loại. Đây có thể nói là giai đoạn mà ma vương, kẻ ác chiếm lĩnh những pháo đài và trận địa cuộc sống (1).

 

Không phải vì sinh ra trong gia đình quyền quý, vọng tộc mà con người trở nên cao thượng; mà con người cao thượng hay không là do chính nơi tâm lượng và hành xử của mình. Ngồi ở nơi cao, với địa vị quyền uy, với màu da và chủng tộc như thế, nhưng tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, vị ngã, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân thì con người ấy cũng chẳng có giá trị gì.

Nhưng xã hội văn minh ngày nay không phải là xã hội được sắp xếp theo những tầng bậc cao thấp, mà là một xã hội có xu hướng tiến đến bình đẳng, hài hòa. Nếu miễn cưỡng có một thứ lớp thì đó là thứ lớp tự nhiên dành cho người hiền thiện, sống đời đạo đức thanh cao, biết trải lòng thương và tận tụy giúp đỡ mọi người; chứ không phải là địa vị dành cho ai đó chỉ vì màu da, chủng tộc.

 

Thế giới đã bước vào thế kỷ 21 trên hai mươi năm rồi. Khi nền văn minh vật chất tiến đến đỉnh cao thì cũng cần song hành phát huy nền văn minh tinh thần đến cực điểm. Đừng lạc hậu quay về với sự thù ghét, đố kỵ, phân chia giai cấp của những thế kỷ mù lòa đen tối quá khứ.

Sống chánh thiện là nếp sống văn minh tinh thần của thế kỷ mới.

 

___________

 

(1)      Ma vương và quyến thuộc có thể giăng bẫy, khuyến dụ con người chạy theo dục lạc, sân hận, si mê. Những ai thiếu sự tu tập và tỉnh thức sẽ dễ dàng trở thành quyến thuộc của Ác ma. Chỉ có những bậc hiền thiện, với tâm từ bi hỷ xả rộng lớn mới có thể tránh khỏi sự dụ hoặc của tham lam, sân hận, cuồng si. Đây là một đoạn trích từ Kinh Lạp Sư số 178, phẩm Tâm, Trung A-hàm, Tuệ Sỹ dịch Việt và hiệu chú: “Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo tâm câu hữu với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ… Cũng như vậy, đối với bi hỷ. Tâm câu hữu với xả, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ… Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.”

 

 

 

 

 

 

 

TRỞ LẠI TRANG HỘP THƯ TÒA SOẠN

 

 

 


Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 06/30/22